Sở trường là gì? Cách trình bày điểm mạnh điểm yếu

Sở trường là gì? Sở đoản là gì? Đây là những câu hỏi phỏng vấn khá khó khăn khi trả lời bởi trình bày không khéo sẽ khiến nhà tuyển dụng có những nhận xét không tốt. Có khi họ cho rằng chúng ta phô trương những điểm mạnh quá mức hoặc những điểm yếu quá nhiều. Vậy làm thế nào để có cách trình bày vẹn cả đôi đường khiến nhà tuyển dụng hài lòng?

Sở trường là gì? Phân biệt với sở đoản

Sở trường được hiểu đơn giản là những điểm mạnh của mỗi người mà trong lĩnh vực đó họ tài giỏi, có tố chất và nổi trội hơn những lĩnh vực còn lại. Sở trường thường xoay quanh các yếu tố như: Khả năng chuyên môn(Bằng cấp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kinh nghiệm làm việc…), đặc điểm tính cách(Linh hoạt, có trách nhiệm, độc lập, làm việc nhóm, chăm chỉ, thân thiện…), các kỹ năng(Giao tiếp, phân tích, giải quyết vấn đề, học hỏi…).

Trái với sở trường, sở đoản là những điểm yếu, mặt hạn chế trong lĩnh vực nào đó mà chúng ta không được tài giỏi, khéo léo. Nhưng đây lại là câu hỏi thường đặt ra khi phỏng vấn bắt buộc mọi người phải đưa ra câu trả lời bởi chẳng ai là không có điểm yếu. Điều quan trọng là các bạn lấp liếm những điểm yếu của mình như thế nào để nhà tuyển dụng cảm thấy hài lòng.

Tại sao nhà tuyển dụng hay hỏi sở trường, sở đoản của ứng viên?

Không ngẫu hứng mà các nhà tuyển dụng đều đặt ra chung các câu hỏi liên quan đến sở trường, sở đoản bởi lẽ nội dung mà bạn trình bày cho họ biết được các điểm mạnh, điểm yếu  để xem xét mức độ phù hợp với vị trí ứng tuyển. Đồng thời, sắp xếp công việc, hướng đào tạo để phát huy các điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của ứng viên. Qua đó, nhà tuyển dụng còn đánh giá được thái độ và phẩm chất của bạn khi đối diện với những mặt mạnh, mặt hạn chế của mình.

Cách xác định sở trường và sở đoản?

Trước khi xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân thì mỗi người chúng ta cần phải trải qua quá trình học tập và làm việc. Sau đó, là tự đặt ra những câu hỏi cho chính mình như: Mình thích việc gì nhất? Việc làm nào khiến mình phấn khởi và làm việc liên tục mà không mệt mỏi? Việc gì mình được mọi người công nhận là giỏi nhất?…

Tương tự, điểm yếu cũng thế, chúng ta cần nhìn nhận khách quan những việc gì mình làm không giỏi và thường không mang lại kết quả tốt. Khi làm chúng ta thường sợ và cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, không được mọi người đánh giá cao. Bên cạnh đó, nên lắng nghe ý kiến nhận xét từ những người xung quanh, đặt mình vào những tình huống khác nhau để tìm ra ưu điểm, nhược điểm.

Chúng ta cũng không cần lo lắng quá nhiều về những điểm yếu của bản thân bởi điều này là hiển nhiên mà ai ai cũng có. Do vậy, khi đưa ra câu trả lời cần tránh cách nói rằng bạn không có điểm yếu hoặc chối bỏ những điểm yếu quá nhiều. Hãy chọn cách trình bày trung thực sẽ dễ khiến nhà tuyển dụng cảm mến hơn bởi một trong những điều mà họ coi trọng chính là thái độ khắc phục điểm yếu của bạn và những kết quả đạt được.

Cách trả lời sở trường và sở đoản khi phỏng vấn

Khi nói đến sở trường chắc hẳn sẽ dễ trình bày hơn vì bản thân mỗi người sẽ có ít nhất một vài ưu điểm. Khi đó, bạn sẽ biết rằng mình đáp ứng được bao nhiêu phần trăm trong yêu cầu công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra. Lúc này, chúng ta cứ việc trình bày những điểm mạnh trong chuyên môn hay các kỹ năng đặc biệt nào đó, sự yêu thích và kết quả mà chúng ta đạt được trong học tập và công việc trước đó.

Ví dụ, “Sở trường của em là linh hoạt và được mọi người đánh giá cao là có khiếu giao tiếp nên em nghĩ mình thích hợp với vị trí bán hàng và sẽ làm tốt công việc này…”. Hoặc nói đến chuyên môn của bản thân như: “Em có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, từng đảm nhận nhiều dự án lớn(Kể tên) và đạt được kết quả tốt. Em có khả năng chịu được áp lực cao và thích thú với những thử thách mới…”

Sự trung thực của mỗi người vốn dĩ là đức tính đáng quý nhưng trong phỏng vấn tìm việc bạn cần bộc lộ tính trung thực bằng cách nói thật khéo léo. Bởi phỏng vấn ở các vị trí công việc khác nhau sẽ có những yêu cầu khác nhau mà chúng ta cần đáp ứng các tiêu chí quan trọng nhất mà tin tuyển dụng đưa ra để được chọn lựa. Do vậy, chỉ nên trình bày những điểm yếu không gây ảnh hưởng nhiều đến công việc

Ví dụ, “Em có khả năng tiếp thu nhanh chóng và bắt kịp với công việc nhưng điểm yếu lại hay bỏ qua những chi tiết nhỏ. Đôi khi điều này làm bản thân kém hoàn thiện nên em đã cố gắng quan sát và để ý nhiều hơn các vấn đề diễn ra xung quanh…”

Khi chúng ta hiểu rõ sở trường là gì cùng với cách trình bày khéo léo, cẩn thận như đã nêu trên sẽ giúp buổi phỏng vấn thành công hơn bằng những cách nói thật thuyết phục. Hi vọng sẽ giúp mọi người vượt qua vòng phỏng vấn an toàn.